Cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản là khoảng thời gian từ khi trồng cho đến khi cây bắt đầu ra hoa và cho quả. Thời gian này thường kéo dài từ 2 đến 3 năm nên việc chăm sóc đúng cách trong giai đoạn này là một bước quan trọng để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh và đạt năng suất tối ưu trong tương lai. Trong bài viết dưới đây Hoàng Minh xin chia sẻ với bà con về công tác chăm sóc cây cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.
I. Đặc điểm thực vật liên quan đến quá trình chăm sóc cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản
Cây cà phê (Coffea) là một loại cây lâu năm với thân gỗ thuộc họ Rubiaceae, được trồng phổ biến trên toàn thế giới để sản xuất hạt cà phê, nguyên liệu chính để chế biến thức uống phổ biến này.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có hai loài chính của cây cà phê được trồng rộng rãi đó là cà phê chè (Coffea arabica) và cà phê vối (Coffea canephora hay robusta) cho sản lượng cao. Ngoài ra có một loài thứ yếu là cà phê mít (Coffea excelsa, Coffea liberica) với sản lượng không đáng kể.
1. Hệ thống rễ:
Cây cà phê sở hữu bộ rễ cọc, cắm sâu vào lòng đất khoảng 0,3 – 1m tính từ mặt đất và được phân bố thành vòng tròn có đường kính khoảng 1,5m xung quanh thân cây. Hệ thống rễ của cây cà phê bao gồm 3 loại rễ:
+ Rễ cọc trung tâm thường to khỏe, ăn sâu xuống đất từ 0,5 – 1 m, giúp cho cây đứng vững và hút được nước ở các tầng đất sâu. Tầng đất càng dày và càng tơi xốp thì rễ cọc càng ăn sâu.
+ Rễ trụ thường có từ 4 đến 8 cái, được mọc từ rễ cọc, có thể đâm sâu tới 3 m và đâm nhánh đi các hướng làm nhiệm vụ chính là hút nước nuôi cây. Cũng giống như rễ cọc, đất càng tơi xốp thì rễ trụ càng ăn sâu.
+ Rễ ngang mọc từ rễ trụ, đâm vào đất theo nhiều hướng khác nhau, một số rễ ngang phát triển song song với mặt đất. Các rễ ngang phát triển thành một hệ thống rễ phụ, với phía đầu là các lông hút phát triển dày đặc làm nhiệm vụ chính là hút chất dinh dưỡng để nuôi cây.
Ngoài yếu tố nội tại là giống, một loạt các yếu tố ngoại cảnh như tính chất vật lý của đất, hàm lượng mùn, độ ẩm đất, độ pH, hàm lượng dinh dưỡng khoáng, nhiệt độ, kỹ thuật canh tác,… cũng có tác động rất lớn đến sự hình thành và phát triển của bộ rễ.
2. Hệ thống thân, cành và lá
Cây cà phê có chiều cao từ 2 đến 6m (cà phê vối có thể cao đến 10m), nhưng thường được cắt tỉa để giữ chiều cao thuận tiện cho việc thu hoạch. Cây cà phê có cành thon dài, lá cuống ngắn, mặt trên lá có màu xanh thẫm, mặt dưới xanh nhạt hơn, hình oval. Lá cà phê mọc đối xứng thành cặp và nằm dọc trên cành.
Chú giải:
- Flower buds: Nụ hoa
- Sucker: Chồi
- Bract: Lá bắc
- Main axis: Thân chính
- Fruits: Trái
- Primary: Cành cơ bản (cành cấp 1)
- Secondary: Cành thứ cấp (cành cấp 2)
Cây cà phê có xu hướng rụng lá vào cuối mùa khô trùng với thời kỳ thu hoạch. Lá của cây cà phê không phản ứng tốt với sức ép của gió, gió lớn có thể làm giảm diện tích lá và rút ngắn chiều dài lóng của cành. Các lá trưởng thành thường có chiều dài khoảng 8 – 15cm, rộng 4 – 6cm.
Từ đặc tính sinh trưởng của cây cà phê, hình thành nên hệ thống phân cành theo hai chiều là thẳng đứng và nằm ngang. Những chồi chỉ sinh trưởng theo chiều thẳng đứng được gọi là chồi vượt, bao gồm có thân chính và các chồi vượt mọc từ thân chính. Những chồi chỉ phát triển theo chiều ngang được gọi là những cành ngang bao gồm những cành ngang mọc ra từ thân chính và các cành thứ cấp khác, đây cũng là những cành có khả năng ra hoa kết quả và được chia làm hai loại cành:
Chú giải:
(1) Cành cơ bản (cành cấp 1)
(2) (3) Cành thứ cấp (cành cấp 2, 3…)
(4) Cành thẳng đứng (cành vượt hay chồi vượt)
- Cành cơ bản (cành cấp 1): Tại mỗi nách lá trên thân chính có nhiều mầm ngủ nhưng chỉ có mầm trên cùng có khả năng phát triển thành cành ngang được gọi là cành cơ bản hay cành cấp 1. Nếu cành cấp 1 bị rụng hoặc bị cắt bỏ thì không bao giờ tại vị trí đó có thể phát sinh cành cấp 1 khác.
- Cành thứ cấp (cành cấp 2, 3…): Tại mỗi nách lá của cành cấp 1 có nhiều mầm ngủ có khả năng phát triển thành cành cấp 2, hay phân hóa thành những mầm hoa khi có điều kiện thích hợp như: Thời tiết khô hạn, nhiệt độ thấp,.. Ở các nách lá trên cành cấp 2 cũng có nhiều mầm ngủ tương tự và có khả năng phát triển thành cành cấp 3. Các cành ngang từ cành cấp 2 trở đi được gọi chung là cành thứ cấp và các cành này có khả năng tái sinh, do đó cần loại bỏ bớt trong các đợt tạo hình nếu chúng quá nhiều.
- Cành thẳng đứng (cành vượt hay chồi vượt) là các loại cành phát sinh từ các mầm ngủ ở nách lá trên thân chính. Chồi vượt có đặc điểm mọc thẳng đứng, sinh trưởng nhanh, tiêu hao nhiều dinh dưỡng nhưng lại không có khả năng cho quả. Trong khi tạo hình, tạo tán cho cây cà phê, chồi vượt cần được loại bỏ thường xuyên và kịp thời nhằm tránh tiêu hao dinh dưỡng. Có thể lưu trữ lại cành vượt với mục đích như sử dụng chồi vượt để tạo thành thân mới, bổ sung tán khi cây bị khuyết tán.
Vì vậy muốn cà phê đạt năng suất, chất lượng và phát triển bền vững lâu dài thì cần thực hiện công tác chăm sóc cho thân cành lá phát triển khỏe mạnh và cắt tỉa tạo tán hợp lý, phù hợp với điều kiện vườn trồng.
II. Những yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản
1. Khí hậu
- Nhiệt độ: Cây cà phê Arabica phát triển tốt ở nhiệt độ từ 15 – 24°C, trong khi giống Robusta có thể chịu được nhiệt độ cao hơn (từ 22 – 28°C). Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đều ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của cây.
- Độ ẩm: Cà phê cần độ ẩm tương đối cao (70 – 80%). Ẩm độ không khí cao sẽ làm giảm sự mất nước của cây, trong khi đó ẩm độ không khí thấp sẽ làm tăng sự thoát hơi nước làm cho cây bị thiếu nước và héo. Ẩm độ không khí quá cao cũng là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh hại phát triển.
- Ánh sáng: Cây cần ánh sáng đầy đủ để quang hợp, tuy nhiên phụ thuộc vào đặc tính của mỗi loại giống và điều kiện khí hậu cụ thể từng vùng mà cây cà phê cần sự hỗ trợ của cây che bóng để phát triển toàn diện nhất.
2. Đất
Loại đất: Địa hình đất đỏ bazan được xem là nơi lý tưởng để trồng cà phê. Cà phê thích hợp với đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt. Đất có pH khoảng 6 – 6.5 là lý tưởng cho sự phát triển.
Độ màu mỡ: Đất nghèo dinh dưỡng sẽ làm hạn chế sự phát triển của cây. Cần bón phân định kỳ để cải thiện độ màu mỡ của đất.
3. Nước
Tưới nước: Cà phê là loại cây trồng ưa ẩm, cần nhiều nước tưới mới có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Cà phê cần cung cấp đủ nước, đặc biệt trong giai đoạn ra hoa và kết quả. Tuy nhiên, không nên để cây bị ngập úng.
Mưa: Lượng mưa bình quân hàng năm cũng đóng vai trò quan trọng. Khu vực trồng cà phê cần có lượng mưa ổn định và phân bổ hợp lý.
Hiểu rõ được điều kiện khí hậu, tính chất đất và nhu cầu nước cho cây cà phê, bà con sẽ dễ dàng chăm sóc cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản đúng cách. Khi cây được chăm sóc tốt sẽ phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao vào giai đoạn kinh doanh. Trên đây là một số đặc điểm thực vật và những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản. Cùng đón xem những kỹ thuật chăm sóc cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản ở bài viết tiếp theo.
Bà con có bất kì thắc mắc nào trong quá trình canh tác cà phê giai đoạn kinh doanh và các vấn đề về cây trồng khác xin vui lòng liên hệ Nông nghiệp Hoàng Minh qua thông tin cụ thể dưới đây để được tư vấn chi tiết nhé!
Được viết Ks. Huyền.
Về Nông Nghiệp Hoàng Minh
Công ty Nông Nghiệp Hoàng Minh
Địa chỉ: 170 Sư Vạn Hạnh, P.Hội Thương, Tp.Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: 0935 842 567
Website: goldsunvn.com
Email: Info@goldsunvn.com
Fanpage: Nông Nghiệp Hoàng Minh