Tiếp nối phần 1, Hoàng Minh sẽ tiếp tục chia sẻ với bà con một dấu hiệu thường gặp thiếu dinh dưỡng trên cây chuối, đặc biệt là các nguyên tố trung vi lượng đã ảnh hưởng đến cây chuối như thế nào và biện pháp khắc phục những tình trạng trên.
I. Chức năng của một số nguyên tố dinh dưỡng trên cây chuối
STT | Nguyên tố dinh dưỡng | Chức năng |
1 | Lưu huỳnh (S) | Tổng hợp các aminoacid cần thiết cho cây trồng |
2 | Magie (Mg) | Trung tâm cấu trúc của phân tử diệp lục |
3 | Boron (B) | Hình thành màng tế bào, sự nảy mầm và kéo dài của ống phấn, tham gia vào cơ chế và vận chuyển đường trong tế bào. |
4 | Kẽm (Zn) | Tổng hợp chất điều hòa sinh trưởng Auxin |
II. Biểu hiện thiếu dinh dưỡng trên cây chuối và biện pháp khắc phục
1. Lưu huỳnh (S)
1.1. Vai trò của Lưu huỳnh (S) đối với cây chuối:
Lưu huỳnh là một nguyên tố dinh dưỡng thực vật thứ cấp, nhưng đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong sự hình thành protein. Đồng thời S là thành phần của ba axit amin cystine, cysteine và methionine.
Vai trò chủ yếu của lưu huỳnh là hình thành diệp lục và cung cấp cho hoạt động của ATP – sulfurylase, giúp cây phát triển khỏe mạnh là tiền đề cho năng suất cao và chất lượng cao.
1.2. Biểu hiện của Lưu huỳnh (S) trên cây chuối:
Khi cây không được cung cấp đầy đủ lưu huỳnh làm cho lá có màu vàng lục và giảm kích thước, các gân phụ dày lên, mép lá nhấp nhô, hoại tử dọc theo mép lá dưới.
Biểu hiện thiếu lưu huỳnh sẽ xuất hiện ở lá non trước, lá trở nên trắng vàng, khi diễn tiến trở nên nghiêm trọng xuất hiện các mảng hoại tử ở rìa lá và các gân lá dày lên.
Ngoài ra, thiếu lưu huỳnh dẫn đến buồng chuối nhỏ, làm giảm năng suất trồng trọt.
Biểu hiện thiếu lưu huỳnh (S) trên cây chuối |
1.3. Biện pháp kiểm soát:
Lên kế hoạch chăm sóc, bón phân, bổ sung dinh dưỡng định kỳ cho cây.
Khi cây có biểu hiện thiếu Lưu huỳnh (S) bón bổ sung Amoni Sulfate (S.A) với 50 – 100g/cây, kết hợp phun/tưới bổ sung Color-Up cho cây (gói 1kg pha trong 200 lít nước).
2. Magie (Mg)
2.1. Vai trò của Magie (Mg) đối với cây chuối:
Magie là một chất dinh dưỡng đa lượng thứ cấp được hấp thụ dưới dạng Mg2+.
Magie là thành phần quan trọng cấu tạo nên phân tử chất diệp lục, là thành phần không đặc hiệu của một số lượng lớn các enzyme liên quan đến việc chuyển hóa phosphate.
Magie tham gia vào quá trình quang hợp, chuyển hóa carbohydrate, tổng hợp axit nucleic, liên quan đến sự di chuyển của carbohydrate từ lá đến những phần trên của cây và kích thích sự hấp thu và vận chuyển P và là chất kích hoạt một số enzyme.
2.2. Biểu hiện của Magie (Mg) trên cây Chuối:
Thiếu magie biểu hiện dễ thấy nhất là sự xuất hiện màu vàng lục tại vùng trung tâm của phiến lá trong khi ngoài lề và khu vực gân chính vẫn còn xanh, hay còn gọi là hiện tượng vàng lá gân xanh.
Cây chuối thiếu magie sẽ xuất hiện các lốm đốm màu tím trên cuống lá và tách bẹ lá ra khỏi thân giả.
Khi cây chuối không được cung cấp đầy đủ Magie sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm, năng suất thấp và hấp thu kém Kali và Canxi.
Biểu hiện thiếu Magie (Mg) trên cây chuối |
2.3. Biện pháp kiểm soát:
Thường xuyên chăm sóc, bón phân, bổ sung dinh dưỡng định kỳ cho cây.
Khi cây có biểu hiện thiếu Magie (Mg) bón bổ sung 20 – 25g/cây phân bón Magie Sulfate, kết hợp phun bổ sung GreenMix cho cây (chai 500ml pha trong 400 lít nước).
3. Boron (B)
3.1. Vai trò của Boron (B) đối với cây chuối:
Boron rất cần thiết cho việc ra hoa, đậu quả và sự chuyển vị của đường, đồng thời thúc đẩy sự hấp thu và di chuyển canxi. Sự thiếu hụt Boron xảy ra trên nhiều loại đất, tuy nhiên lượng boron giảm khi độ pH tăng.
Boron đóng vai trò tương tự như canxi trong dinh dưỡng cây trồng giúp củng cố độ bền của vỏ trái, độ săn chắc của trái và thời gian bảo quản.
Ngoài ra, Boron cần thiết cho sự phát triển của rễ và sức sống của cây, sự thiếu hụt Boron thường làm tăng khả năng mắc bệnh nấm và giảm khả năng chống chịu của cây đối với các điều kiện bất lợi của môi trường.
3.2. Biểu hiện của Boron (B) trên cây chuối:
Biểu hiện thiếu Boron thường xảy ra ở khu vực trồng chuối trên nền đất chua.
Khi thiếu Boron lá bị quăn và biến dạng, trên lá xuất hiện các vệt trắng vuông góc với các gân lá ở mặt dưới của phiến lá, khiến lá bị dị dạng.
Thiếu Boron có thể dẫn đến giảm trọng lượng và kích thước của buồng và kìm hãm sự phát triển đầy đủ của trái.
3.3. Biện pháp kiểm soát:
Lên kế hoạch chăm sóc, bón phân, bổ sung dinh dưỡng định kỳ cho cây
Khi cây có biểu hiện thiếu Boron (B) bón bổ sung Borax (Natri tetraborat) với 20 – 25g/cây, kết hợp phun Canxi Bo Gel Sữa Vàng cho cây (chai 500ml pha trong 400 lít nước).
4. Kẽm (Zn)
4.1. Vai trò của Kẽm (Zn) đối với cây Chuối:
Kẽm là thành phần thiết yếu của các enzyme dehydrogenase, glutamate dehydrogenase, lactic dehydrogenase, carbonic anhydrase (điều hòa chuyển hóa carbon dioxide), phosphatase kiềm, carboxypeptidase và các enzyme khác như dehydropeptidase và glycosylase.
Kẽm cũng giúp điều chỉnh và cân bằng lượng nước, tăng cường tính toàn vẹn của màng tế bào và ổn định các nhóm sulfhydryl trong protein màng liên quan đến vận chuyển ion. Dưới điều kiện thiếu Zn, sinh khối buồng sẽ tăng gấp bốn lần để đáp ứng đủ tỷ lệ Zn. Ở nồng độ cao, Zn có tốc độ di động thấp trong phloem từ lá đến quả.
4.2. Biểu hiện của Kẽm (Zn) trên cây Chuối:
Biểu hiện thiếu kẽm rất phổ biến ở chuối, thường gặp nhất là trên các cây non thiếu dinh dưỡng.
Cây chuối khi xuất hiện triệu chứng thiếu kẽm có thể xuất hiện trong một năm mà không ảnh hưởng đến năng suất nhưng sẽ giảm năng suất quả trong năm thứ hai trở đi.
Khi cây thiếu kẽm lá trở nên hẹp, có dải màu vàng đến trắng xuất hiện giữa các gân thứ cấp, các mảng hoại tử màu nâu thuôn xuất hiện giữa các sọc màu vàng.
Khi lá thiếu kẽm có kích thước nhỏ hơn đáng kể so với một lá bình thường. Trên cây con nếu thiếu kẽm, chồi con trở nên nhỏ. Cây chậm lớn và phát triển còi cọc.
Nếu không cung cấp đầy đủ kẽm cho cây chuối thì sẽ làm quả nhỏ, xoắn, đầu quả chuối có đầu màu xanh nhạt.
Biểu hiện thiếu Kẽm (Zn) trên cây chuối |
4.3. Biện pháp kiểm soát:
Lên kế hoạch chăm sóc, bón phân, bổ sung dinh dưỡng định kỳ cho cây.
Khi cây có biểu hiện thiếu Kẽm (Zn) bón bổ sung 15 – 30g Kẽm Sulfat/cây, kết hợp phun GreenMix cho cây (chai 500ml pha trong 400 lít nước).
Trong bài viết trên Hoàng Minh đã điểm qua một số dấu hiệu thiếu dinh dưỡng trên cây chuối, bà con có thể theo dõi phần trước tại đây. Bà con có bất kì thắc mắc nào trong quá trình canh tác và các vấn đề về cây trồng xin vui lòng liên hệ Nông nghiệp Hoàng Minh qua thông tin cụ thể dưới đây để được tư vấn chi tiết nhé!
Được viết Ks. Huyền.
Về Nông Nghiệp Hoàng Minh
Công ty Nông Nghiệp Hoàng Minh
Địa chỉ: 170 Sư Vạn Hạnh, P.Hội Thương, Tp.Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: 0935 842 567
Website: goldsunvn.com
Email: Info@goldsunvn.com
Fanpage: Nông Nghiệp Hoàng Minh