Mời quý bà con cùng Hoàng Minh tìm hiểu về triệu chứng và cách phòng trị một số bệnh trên cà phê để phát hiện và xử lý kịp thời nhé. Với giá cà phê đang tăng cao ở thời điểm hiện tại, bà con trồng cà phê rất phấn khởi và có niềm tin trong vụ mùa này. Tuy nhiên để cà phê đạt năng suất và chất lượng, bà con nên chú ý đối phó với một số bệnh trên cà phê.
1. Bệnh thán thư (Colletotrichum spp., Colletrotrichum kahawae, Colletotrichum cofeanum) là bệnh trên cà phê đã quá phổ biến
Triệu chứng
Đối với nấm C.cofeanum:
- Vết bệnh ban đầu là những đốm nhỏ màu nâu, hơi lõm xuống, thường xuất hiện trên cành, lá và quả, sau bệnh lan rộng liên kết thành những mảng, nâu sẫm hoặc nâu đen gây chết cành, quả khô đen, lá rụng.
- Trên cành: Ban đầu vết bệnh chỉ là những đốm nhỏ màu nâu hơi lõm xuống ở những đốt giữa cành, sau lan rộng hết chiều dài của đốt. Bệnh thường tấn công những cành nhỏ đang hóa gỗ, nếu nặng có thể gây hại cả những cành lớn và thân cây, chỗ bị bệnh chuyển thành mầu nâu đen, làm lá bị rụng, cành bị khô rồi chết.
- Trên lá: Ban đầu vết bệnh là những đốm tròn màu nâu đen, sau đó lan rộng dần, trên đó có các vòng đồng tâm. Nếu nặng các vết bệnh liên kết lại với nhau thành từng mảng khô, màu nâu sẫm hay nâu đen.
Đối với nấm Colletotrichum spp.:
Các vết cháy màu nâu thường xuất hiện ở mép lá, có vòng đồng tâm và có những chấm đen là quả thể của nấm. Bệnh thường không nặng, tuy nhiên một số trường hợp có thể nhiễm nặng nếu không quản lý tốt bệnh, khi đó lá sẽ rụng và lây lan sang quả, cành

Đối với nấm C.kahawae:
Trên hoa xuất hiện các vết hoặc đốm có màu nâu sẫm hoặc đen, hoa sẽ rụng khi bị nặng. Trên quả vết bệnh có màu nâu đen, hơi trũng xuống, có các vòng đồng tâm, quả non sẽ bị rụng khi nhiễm bệnh, các quả lớn hơn sẽ bị thối khô, vết bệnh trên quả có lớp bào tử màu hồng nhạt
Đặc điểm phát sinh gây hại:
Bệnh thán thư thường gây hại mạnh vào các tháng mưa, khi điều kiện ẩm độ không khí cao là kiều kiện thuận lợi cho nấm phát triển.
Biện pháp phòng trừ bệnh trên cà phê:
Sử dụng thuốc có hoạt chất: Mancozeb, Propiconazole, Tebuconazole,..

2. Bệnh gỉ sắt (Hemilela growatrix, Hemilele cofeicola) hầu như vườn cà phê nào cũng gặp bệnh này
Triệu chứng
- Gỉ sắt cà phê do nấm Hemileia vastatrix gây ra. Ban đầu vết bệnh có kích thước nhỏ khoảng 2 – 3 mm sau lớn dần 7 – 8 mm. Gỉ sắt biểu hiện rõ ở mặt dưới lá cà phê.
- Vết bệnh thường có hình tròn hoặc bầu dục khi nặng các vết bệnh liên kết nhau tạo thành các vết cháy và lan rộng khiến lá rụng. Trên bề mặt vết bệnh phủ lớp bột màu cam là bào tử nấm gỉ sắt Hemileia vastatrix.
- Tình trạng nghiệm trọng gỉ sắt lan rộng ra quả, cành cà phê làm trái teo tóp, cành bị cháy đen, khô rụi.

Đặc điểm phát sinh gây hại:
Nước cần thiết cho sự nảy mầm và phát tán của bào tử nấm, vào giai đoạn đầu mùa mưa gỉ sắt hại cà phê rất mạnh và lây lan nhanh.
Biện pháp phòng trừ bệnh trên cà phê:
- Sử dụng thuốc có hoạt chất Hexanconazole, Copper oxychloride, Mancozeb,..
- Hoàng Minh khuyến nghị sử dụng sản phẩm Apollo tiêu diệt nấm bệnh thông qua cơ chế ngăn cản sinh tổng hợp Ergosterol – chất cấu tạo nên màng tế bào nấm bệnh. Nấm bệnh sẽ bị cô lập và ngừng phát triển do chúng không hình thành được tế bào mới.
3. Bệnh đốm lá trên cà phê (Mycena citricolor)
Triệu chứng:
- Vết bệnh là đốm hình tròn có màu nâu, nâu nhạt đến vàng. Bệnh xuất hiện chủ yếu trên lá. Vết bệnh có đường kính từ 6 – 13mm, phân biệt rõ ràng giữa mô khỏe và mô bệnh là rìa vết bệnh, nhưng không có vầng vàng. Trong bóng râm, vết bệnh trở nên nổi bật do có màu sáng. Các đốm già sẽ trở nên nhạt màu hơn và nảy mầm thành các cây nấm dài từ 1 – 4mm bao gồm một cuống mỏng bao quanh bởi mũ nấm hình cầu có đường kính khoảng 0,4mm. Trung tâm vết đốm sẽ bị thủng.
- Bệnh có thể xuất hiện trên cành và quả. Bệnh gây hiện tượng rụng lá làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cây cà phê. Trên các cây trồng khác nhiễm nấm cũng có triệu chứng tương tự

Đặc điểm phát sinh gây hại:
Bệnh thường phát sinh, phát triển vào mùa mưa, trên những vườn vệ sinh kém, độ ẩm cao, kín khí nhất là các cây cà phê được trồng dưới bóng râm của các cây che bóng
Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh vườn thường xuyên, mùa mưa nên chắc tỉa cành cây che bóng cho thông thoáng
- Thường xuyên thăm vườn, phát hiện bệnh sớm, cắt bỏ và tiêu hủy các bộ phận bị bệnh khi vườn bị nhẹ
- Biện pháp sinh học: sử dụng một số vi sinh đối kháng nhằm hạn chế nguồn nấm bệnh tấn công cây trồng như Trichoderma harzianum hoặc Bacillus
- Biện pháp hóa học: Sử dụng dung dịch Booc đô, các thuốc có gốc đồng, sử dụng thuốc thuộc nhóm Triazole hoặc sử dụng nước vôi trong đều được chứng minh là có hiệu quả trên nấm này

4. Bệnh trên cà phê có thể kể đến virus đốm đen (CoRSV)
Triệu chứng:
- Trên lá: Triệu chứng đầu tiên trên lá là các đốm tròn nhỏ màu nâu, có quầng vàng,. Khi bệnh nặng hơn các vết đốm có màu nâu sẫm đến đen, không còn quầng vàng, các vết đốm riêng lẻ sau đó liên kết lại làm cháy 1 mảng lớn trên phiến lá hoặc dọc các gân lá. Các vết đốm có vòng đồng tâm, tâm vết đốm bị hoại tử.
- Trên quả xanh các vết đốm có màu xanh nhạt. Ở các giống cà phê có màu đỏ khi chín, trên vỏ quả sẽ có các đốm hoặc quầng màu trắng đến xanh nhạt, đôi khi quả sẽ bị lõm xuống, làm biến dạng nhân của quả. Ở các giống cà phê có vỏ quả màu vàng khi chín sẽ xuất hiện các vết đốm có quầng màu xanh nhạt và có xu hướng biến mất khi quả lớn. Cây bị bệnh nặng sẽ gây rụng lá, rụng quả. Khi lá bị nặng sẽ có một lớp bột mịn, màu nâu sẫm ở mặt dưới lá.

Đặc điểm phát sinh gây hại:
Nhện Brevipalpus phoenicis là trung gian môi giới truyền virus cho cây trồng
Biện pháp phòng trừ:
Cho đến nay chưa có biện pháp kiểm soát có hiệu quả bệnh đốm đen. Vì vậy, để quản lý dịch bệnh cần thực hiện tốt công tác kiểm dịch, chọn giống sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng. Quản lý trung gian môi giới truyền bệnh để phòng ngừa bệnh virus xâm nhập vào cây trồng. Hoàng Minh khuyến nghị bà con sử dụng sản phẩm Sạch nhện (pha 1 chai cho 200l)

5. Nấm bồ hóng (Capnodium sp.) là nấm bệnh trên cà phê thường gặp trong mùa khô
Triệu chứng:
- Bệnh tấn công trên vỏ quả làm mất màu ngay tại vị trí vết bệnh. Trong trường hợp nhiễm bệnh nặng sẽ làm cho vỏ quả bị xù xì và làm giảm giá trị thương phẩm
- Bệnh phát triển thành từng mảng đen (muội đen, khói đèn) trên mặt lá, cành và các gié hoa, quả non làm rụng hoa, quả non, gây trở ngại cho quá trình quang hợp và hấp thụ nhiệt, quả xanh xám, không lớn được hoặc rụng hàng loạt.
Đặc điểm phát sinh gây hại bệnh trên cà phê
Bệnh thường phát sinh gây hại vào mùa nắng vì giai đoạn này nụ hoa, quả non, chồi non có nhiều rệp muội, rệp sáp chích hút làm tiết ra chất mật chính điều này tạo điều kiện cho nấm bồ hóng tấn công lên ở những vị trí này. Vì nấm bồ hóng này chỉ phát triển được khi có chất mật ngọt do rệp bài tiết ra
Biện pháp phòng trừ
- Bón phân cân đối, hợp lý. Sau thu hoạch, tiến hành tỉa cành tạo điều kiện thông thoáng.
- Không trồng dày dẫn đến thiếu ánh sáng, không trồng gần những cây ăn quả khác đang nhiễm bệnh
- Bón đủ lượng phân, tưới đủ độ ẩm cho cây
- Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc gốc đồng (Titan Cup, 1 chai cho 200 – 300l, tùy theo tùy trạng bị nặng hay nhẹ) kết hợp với Alexander Đại đế 777 để phòng trừ các loại chích hút (1 chai pha cho 400l, tùy theo mật độ rệp)
6. Bệnh đốm mắt cua (Cercospora cofeicola hoặc Mycosphaerella coffeicola) không chỉ là bệnh trên cà phê mà còn gặp ở nhiều loại cây trồng khác
Triệu chứng
- Trên lá: Các vết đốm có màu nâu nhỏ xuất hiện rõ trên bề mặt lá, có đường kính tối đa có thể đạt 15mm. Các vết này có thể xuất hiện ở giữa gân lá và rìa lá. chúng có tâm màu nâu nhạt hoặc đôi khi xám nhạt, được bao quanh bởi 1 quầng rộng màu nâu sẫm và có rìa màu vàng, các vết đốm phát triển thành các vết lớn hơn và xảy ra hiện tượng cháy lá. Bệnh thường xuất hiện ở khu vực ẩm ướt, mát mẻ
- Trên quả: vết bệnh nhỏ hơn trên lá, có đường kính nhỏ hơn 5mm, tuy nhiên bệnh có thể gây hại toàn bộ quả. Bệnh trên quả có hình dạng bất thường, màu nâu, vết bệnh thường thấy trên những trái tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Bệnh có thể xuất hiện khi quả còn xanh. Bệnh còn tạo điều kiện để các loài nấm Colletotrichum xâm nhập, gây bệnh khô quả, khô cành
- Các khối bào tử có thể được nhìn thấy ở trung tâm vết đốm, chúng có màu xám trên các lá bị nhiễm bệnh và thâm đen trên quả

Đặc điểm phát sinh gây hại của bệnh trên cà phê
- Những nơi có độ ẩm cao, mưa nhiều, nhiệt độ ấm áp, hoặc sau khi cây bị stress do quá trình xiết nước đều là những nguyên nhân giúp mầm bệnh tấn công cây trồng. Bào tử phát tán nhờ gió, nước mưa, chúng cần có nước để nảy mầm.
- Bệnh thường xuất hiện trên các vườn cà phê không được chăm sóc tốt, thiếu dinh dưỡng, hoặc có quá ít bóng râm
- Trong giai đoạn vườn ươm bệnh sẽ gây rụng lá cây con, khi bị nặng cây có thể chết. Đối với các cây trưởng thành, khi điều kiện thuận lợi nấm bệnh sẽ tấn công vào cây. Khi quả cà phê bị bệnh chúng sẽ chín sớm làm ảnh hưởng đến hương vị của hạt cà phê, tuy nhiên thông thường quả nhiễm bệnh sẽ teo lại và rụng
Biện pháp phòng trừ
- Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và nước cho cây để giảm thiểu yếu tố stress cho cây
- Trồng đúng mật độ, khoảng cách, và cung cấp bóng râm 35 – 65%
- Tỉa cành, tạo tán để không khí lưu thông
- Thu gom, tiêu hủy tàn dư thực vật, vệ sinh và thăm vườn thường xuyên
- Biện pháp hóa học: Sử dụng các loại thuốc gốc đồng hoặc Triazoles để phòng trị bệnh. Bà con có thể tham khảo sản phẩm Titan Cup của Hoàng Minh để xử lý

7. Bệnh bạc lá vi khuẩn (Pseudomonas cichorii, Pseudomonas syrigae pv. gracae)
Triệu chứng
Đối với loài P.cichorii:
- Triệu chứng bệnh có thể khác nhau tùy thuộc cây ký chủ cũng như bộ phân nhiễm bệnh. Trên cây cà phê biểu hiện ban đầu là các vệt ngấm nước ở rìa mép lá, gần gân giữa hoặc phân bố ngẫu nhiên dưới dạng đốm lá. Các vết bệnh có dạng hình tròn và hiếm khi bị giới hạn bởi các gân lá, vết bệnh to dần và chuyển sang màu nâu sẫm hoặc đen, xung quanh vết bệnh là các quầng sáng màu vàng.
- Khi bệnh tiến triển nặng hơn, các vết bệnh sẽ liên kết lại làm cháy 1 mảng lớn hoặc cháy toàn bộ lá. Trên 1 số cây ký chủ như cà phê, hoa cúc vết bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng trên cuống lá, cuống hoa và chồi
- Kích thước vết bệnh tùy thuộc vào điều kiện môi trường, trong điều kiện ẩm độ cao các vết bệnh sẽ phát triển lớn hơn, các mô bị nhiễm bệnh sẽ hoại tử, trong khi ở điều kiện ẩm độ thấp, vết bệnh chỉ có đường kính vài mm và bệnh có thể ngừng phát triển
Đối với loài P.syrigae pv grace:
Ban đầu vết bệnh có màu xanh đậm hoặc trong suốt, là các vết ngấm nước trên lá và hoại tử với quầng vàng ở đầu góc chồi, đốt hoặc lóng, chúng lây lan nhanh chóng trên các cành sơ cấp. Lá của những cây già hơn phát triển các bệnh màu nâu đen và có thể bị biến dạng (hình dấu phẩy). Khi bệnh nặng hơn bệnh sẽ xâm nhập dần vào hệ thống mạch dẫn của cây trồng, sau cùng là gây hiện tướng héo và khô của các cành cấp 2, cấp 3. Bệnh có thể gây rụng lá, hoa hoặc quả non
Đặc điểm phát sinh gây hại:
Khi điều kiện môi trường thuận lợi như độ ẩm cao, ngập úng, bón dư thừa phân đạm đều là những tác nhân là mầm bệnh phát sinh và phát triển
Biện pháp phòng trừ bệnh trên cà phê
- Cây giống phải sạch bệnh, khử trùng dụng cụ chăm sóc và tay sau khi xử lý vết bệnh hoặc khi vừa thu hoạch xong.
- Trồng đúng mật độ khoảng cách, cân đối giữa NPK
- Tiến hành cày xới, thu gom tàn dư thực vật bị nhiễm bệnh
- Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc có hoạt chất kháng sinh hoặc thuốc gốc đồng để phòng trừ bệnh
8. Bệnh trên cà phê Thread blight (Corticium koleroga)
Triệu chứng
Nấm hình thành 1 mạng lưới với các sợi màu sáng ở mặt dưới lá hoặc cành. Lá bệnh ban đầu chuyển từ màu xanh sang xám nhạt và khô. Khi bệnh nặng hơn lá đen dần và rụng. trong một số trường hợp lá chết sẽ tách ra khỏi cành nhưng được giữ lại đúng vị trí do các sợi nấm giữ lại. Nấm sẽ chết đi theo lá rụng
Đặc điểm phát sinh gây hại
Bệnh thường phát sinh trong điều kiện có ẩm độ cao, nhất là vào các tháng mùa mưa
Biện pháp phòng trừ bệnh trên cà phê
- Tỉa cành, tạo tán. Vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy các cành lá bị bệnh
- Tạo sự thông thoáng cho cây bằng cách cắt tỉa cây che bóng
- Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc gốc đồng hoặc hoạt chất Hexaconazole để phòng trị bệnh
9. Bệnh héo Fusarium (Gibberelle xylarioides)
Triệu chứng
- Bệnh gây héo, úa lá, lá trở nên mềm và quăn lại, khi bệnh năng lá sẽ khô có màu nâu và rất dễ gãy hoặc bị dập nát. Cây bị chết khô trụi hết lá, các cành có thể chuyển sang màu nâu đen hoặc hơi đen và khô héo và nhiều vết nứt dọc và xoắn trên vỏ thân cây.
- Kiểm tra dưới lớp vỏ cây sẽ thấy các vệt màu xanh đen đặc trưng trên phần gỗ dưới vỏ thân cây. Khi chẻ thân cây nhiễm bệnh sẽ thấy mạch dẫn bị nấm tấn công, theo Fraselle nhu mô cây hiếm khi bị nấm tấn công nhưng mạch dẫn và các xylem sẽ dễ dàng bị nấm tấn công. Rễ sẽ bị thối đen. Nấm làm tắc nghẽn mạch dẫn dẫn đến cây bị héo và khô trên tán lá. Sợi nấm hiếm khi xuất hiện trên thân cây nhưng có thể quan sát thấy các quả thể bên ngoài gốc cây bệnh
- Cây bị bệnh có thể xuất hiện triệu chứng bệnh trên 1 vài cây trước sau đó lan ra cả vườn
- Bào tử nấm có thể xuất hiện vào cuối mùa mưa. Quả bị nhiễm bệnh sẽ chuyển sang màu đỏ và chín sớm
Đặc điểm phát sinh gây hại
Bào tử và các nang bào tử của nấm được phát tán nhờ gió, mưa hoặc thông qua các hoạt động chăm sóc của con người. Mầm bệnh có thể xâm nhập qua vết thương của bất kỳ cơ quan nào. Côn trùng cũng có thể lây lan mầm bệnh từ cây này sang cây khác. Hạt giống nhiễm bệnh cũng là một trong những nguyên nhân lây lan mầm bệnh
Biện pháp phòng trừ bệnh trên cà phê
- Sử dụng giống kháng bệnh
- Thường xuyên theo dõi vườn, làm sạch cỏ dại, các cây bị nhiễm bệnh nhẹ cần cô lập với các cây khỏe mạnh, các cây nặng thì nên nhổ bỏ
- Có thể sử dụng các chế phẩm sinh học nguồn gốc vi sinh để phòng bệnh
- Thực hiện quản lý dịch bệnh tổng hợp IPM, ICM
- Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc có hoạt chất Tebuconazole để đặc trị nấm Fusarium (1 chai pha từ 200 – 300l tùy theo mức độ bệnh)
Trên đây là tổng hợp của Hoàng Minh về một số bệnh trên cà phê thường gặp. Bà con đón đợi và theo dõi vì Hoàng Minh còn danh sách những bệnh hại thường gặp phần 2 nhé. Ngoài ra, bà con có bất kì thắc mắc nào về kỹ thuật cũng như cách xử lý sâu bệnh, hãy liên hệ với Hoàng Minh theo thông tin dưới đây:
Công ty Nông Nghiệp Hoàng Minh
Địa chỉ: 170 Sư Vạn Hạnh, P.Hội Thương, Tp.Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: 02693.820.823 – Fax: 02693.820.823
Website: goldsunvn.com – nongnghiephoangminh.com
Email: Info@goldsunvn.com – nongnghiephoangminh@gmail.com
Fanpage: Nông Nghiệp Hoàng Minh