Chăm sóc cây cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu như thế nào? Những năm gần đây, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khô hạn, nắng nóng, lũ lụt xảy ra bất thường trái với quy luật nhiều năm, gây nhiều khó khăn cho nông dân khắp mọi vùng miền nói chung và người trồng cà phê nói riêng. Cụ thể bà con cùng Hoàng Minh tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng canh tác và chăm sóc cây cà phê.
1. Ảnh hưởng của mưa thất thường.
Mưa trái mùa trong thời kỳ cây cà phê nở hoa ảnh hưởng tới quá trình đậu quả.
Mùa mưa kết thúc muộn sẽ làm cho quá trình phân hóa mầm hoa của cây cà phê bị muộn hoặc bị giảm, ảnh hưởng tới tiềm năng năng suất vụ sau. Mưa dầm kéo dài nhiều ngày vào giai đoạn quả tích lũy chất khô mạnh (vào tháng 8, tháng 9), gây hiện tượng rụng quả xanh. Ngoài ra, mưa cũng gây ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch cà phê.
2. Ảnh hưởng của nhiệt độ cao đến năng suất và chất lượng.
Nhiệt độ cao vào thời kỳ ra hoa đậu quả gây ra hiện tượng hoa biến dạng: tràng hoa trắng biến mất, chỉ còn lại đài hoa màu xanh xếp 5 cánh hình ngôi sao hay gọi là hoa sao và thường xảy ra trên cây cà phê chè. Nhiệt độ tăng cao làm chậm quá trình tích lũy chất khô nhưng lại thúc đẩy cà phê chín sớm ảnh hưởng tới hình thành và phát triển nhân, nhân quả xốp (tỷ trọng giảm).
Đối với cà phê vối hạt phấn sẽ bị chết hoặc giảm sức sống, quá trình thụ phấn, thụ tinh của hoa bị rối loạn, dẫn đến nhiều hạt không hình thành được, năng suất cà phê giảm.
3. Ảnh hưởng nhiệt độ cao đến các bệnh hại.
Nhiệt độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho một số loài sâu bệnh hại bùng phát. Các loại sâu bệnh như mọt đục quả, dòi đục lá, tuyến trùng, nấm rễ và bệnh rỉ sắt … sẽ gia tăng nếu nhiệt độ tăng cao
Hiện tượng bọ xít muỗi tàn phá các vườn cà phê chè trong những năm gần đây được cho là do tác động của biến đổi khí hậu.

4. Ảnh hưởng khô hạn đến nước tưới.
Ở các vùng trồng cà phê cần tưới, nếu mùa khô hạn kéo dài làm cho nhu cầu tưới tăng thêm, lượng nước sử dụng nhiều làm giảm mực nước ngầm, tiêu tốn năng lượng và công tưới nhiều hơn, gia tăng chi phí.
Không đủ nước tưới trực tiếp khiến cây thiếu nước, bị tổn thương; mầm và nụ hoa bị thui, quả non bị rụng; một số loại dịch hại như rệp sáp, rệp xanh có điều kiện phát triển mạnh hơn.
5. Biến đổi khí hậu và sự suy thoái đất.
Biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng tần suất xuất hiện những cơn gió mạnh và mưa to. Mưa to kết hợp gió mạnh gây xói mòn, rửa trôi đất và chất dinh dưỡng từ đất, làm giảm khả năng giữ nước của đất, dẫn tới suy thoái độ phì nhiêu của đất trồng và tầng đất canh tác sẽ mỏng dần.
Chăm sóc cây cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu tại Tây Nguyên.
1. Về chọn giống.
Hiện nay, do điều kiện biến đổi khí hậu, tình hình sản xuất cà phê đã trở nên khó khăn hơn vì ảnh hưởng bất lợi của môi trường. Vì vậy, mục tiêu chọn giống trong giai đoạn hiện nay không chỉ đáp ứng các chỉ tiêu về năng suất và chất lượng hạt mà còn phải có khả năng chống chịu được với các điều kiện bất lợi như khả năng kháng bệnh, chống chịu khô hạn nhằm phát triển và ổn định theo hướng sản xuất cà phê bền vững.
Việc chọn tạo các dòng cà phê vối mang những đặc điểm nông học chống chịu được với các điều kiện bất lợi của môi trường, có khả năng chống chịu với các bất lợi khác như tuyến trùng, nấm bệnh. Một số dòng chín muộn có khả năng tiết kiệm được một số lần tưới hạn chế khai thác nguồn nước tưới cho cà phê.
2. Về nhu cầu tưới nước.
Ở Tây Nguyên tưới nước là yếu tố quyết định đến sinh trưởng và năng suất cà phê. Vào lúc trồng mới và các năm kiến thiết cơ bản, nếu cây cà phê con không được tưới nước trong mùa khô sẽ bị chết. Vào thời kỳ kinh doanh, nước đặc biệt cần thiết trong giai đoạn ra hoa đậu quả vào mùa khô, cây cà phê kinh doanh không được tưới nước hầu như không cho thu hoạch, cành khô và chết.
Do nhu cầu sinh lý, cây cà phê cần một thời gian khô hạn từ 2 – 3 tháng để cây ngừng sinh trưởng và phân hóa mầm hoa, nếu không có thời kỳ khô hạn tương đối dài, cây sẽ không phân hóa mầm hoa tập trung nên thường không cho năng suất cao. Tuy vậy nếu thời kỳ khô hạn kéo dài quá lâu, đặc biệt trong thời kỳ ra hoa sẽ làm cây thiếu nước, hoa quả bị thui, cành khô héo và chết. Do vậy một chế độ tưới nước hợp lý vào thời kỳ khô hạn sau khi thu hoạch là kỹ thuật giúp điều chỉnh ra hoa tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho đậu quả nhằm đạt năng suất cao.
Trong những năm gần đây, bà con trồng cà phê ở Tây Nguyên đã áp dụng kết hợp nhiều kỹ thuật tưới khác nhau như tưới tràn, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm… nhằm đáp ứng nhu cầu về nước của cây phù hợp điều kiện thời tiết, địa hình và theo mỗi giai đoạn phát triển.

3. Về kỹ thuật tạo hình.
Tạo hình là một kỹ thuật rất cần thiết để thúc đẩy cây phát triển khỏe mạnh, tăng năng suất và tăng tuổi thọ của cây. Bên cạnh đó tạo hình tốt còn tạo điều kiện cho các quá trình canh tác khác như làm cỏ bón phân và thu hoạch thuận lợi hơn. Tạo hình tốt không những làm cho cây sinh trưởng khỏe, hạn chế sâu bệnh hại, làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón và từ đó làm tăng năng suất cà phê.
Đối với cây cà phê vối, người ta thường áp dụng hai hệ thống tạo hình chính là hệ thống đơn thân và hệ thống đa thân. Trong tạo hình đơn thân thường áp dụng biện pháp tạo hình đơn thân có hãm ngọn, chiều cao thân để hãm ngọn thường từ 1,6 – 1,8 m.
Với kỹ thuật tạo hình đa thân, biện pháp này mang lại năng suất khá cao, tuy nhiên khi áp dụng gặp phải một số hạn chế như năng suất giữa các năm biến động mạnh, chỉ thu quả trên cành cấp 1 và phải áp dụng chế độ cưa đốn luân phiên mới duy trì được năng suất.
4. Về nhu cầu dinh dưỡng.
Cây cà phê cần nhiều nguyên tố dinh dưỡng khác nhau trong suốt quá trình sinh trưởng, ra hoa, đậu quả. Sự biến đổi của khí hậu ngày nay ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình cung cấp dinh dưỡng cho cây từ đất, nước mưa. Vì vậy, việc bổ sung dinh dưỡng cho cây theo từng thời điểm để đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất đa, trung và vi lượng là vô cùng quan trọng.

Hoàng Minh gợi ý cho bà con cách bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho cây như sau:

5. Về phòng trừ sâu bệnh hại.
Do biến đổi khí hậu nên thời tiết diễn biến ngày càng thất thường, hiện tượng El Nino gây hạn hán kèm theo các loại rệp sáp hại chùm hoa, chùm quả, mọt đục cành, bệnh gỉ sắt trên cây cà phê phát triển mạnh. Sau El Nino thường xảy ra tiếp hiện tượng La Nina với mưa kéo dài gây các đối tượng dịch hại với cây cà phê như hiện tượng thối quả, rụng quả cà phê, bệnh thối nứt thân… Vì vậy, cần nâng cao kiểm soát và phòng ngừa sâu bệnh hại trên cây cà phê. Bà con có thể tham khảo ở bài viết Bắt bệnh vườn cà phê vào mùa mưa để có dấu hiệu nhận biết sớm và xử lý kịp thời các loại sâu bệnh hại thường gặp trên cây cà phê.
Ngoài ra, bà con có bất kì thắc mắc nào về kỹ thuật cũng như cách xử lý sâu bệnh. Hãy liên hệ với Hoàng Minh theo thông tin dưới đây:
Công ty Nông Nghiệp Hoàng Minh
Địa chỉ: 170 Sư Vạn Hạnh, P.Hội Thương, Tp.Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: 02693.820.823 – Fax: 02693.820.823
Website: goldsunvn.com – nongnghiephoangminh.com
Email: Info@goldsunvn.com – nongnghiephoangminh@gmail.com
Fanpage: Nông Nghiệp Hoàng Minh